Ngày 22/8, bà Harris bắt đầu chuyến thăm đầu tiên đến châu Á trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ, với các điểm dừng ở Singapore và Việt Nam. Dư luận toàn cầu nhận định chuyến thăm kéo dài đến ngày 26/8 là cách Washington khẳng định "nước Mỹ trở lại" Đông Nam Á.
|
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Hà Nội, ngày 25/8. Ảnh: Reuters |
Tờ Washington Post (Mỹ) chỉ ra rằng, Phó Tổng thống Kamala Harris là lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ tới Đông Nam Á kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền với cam kết củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác. Báo này trước đó có bài bình luận rằng Mỹ phải hành động nhiều hơn nữa để chứng minh vai trò của mình ở Đông Nam Á.
Kênh CNN dẫn thông điệp từ Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ nêu rõ, chính quyền Tổng thống Joe Biden "coi châu Á là khu vực đặc biệt quan trọng trên thế giới". Vì thế, chuyến thăm của bà Harris "nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết toàn diện và quan hệ đối tác" vốn là các yếu tố then chốt trong cách tiếp cận của Washington về đối ngoại.
Theo báo Asia Times, chính quyền Tổng thống Biden hiếm khi bỏ lỡ cơ hội đề cao tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đối với chương trình nghị sự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Washington đang theo đuổi. Tờ báo này bình luận, Mỹ có lẽ hy vọng chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris sẽ cho thấy quyết tâm và cam kết Mỹ dành cho khu vực.
Hãng thông tấn Reuters phản ánh, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng trở nên gần gũi hơn, và chuyến thăm của bà Harris dường như là bằng chứng thể hiện rõ ràng nhất. Tại các cuộc gặp lãnh đạo Việt Nam, bà khẳng định Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng, tiếp tục đổi mới, mở rộng hội nhập quốc tế và đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và khu vực.
Đưa tin về chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tới Singapore và Việt Nam, báo Nikkei Asia bình luận rằng hai nước châu Á là đối tác đặc biệt quan trọng với nền kinh tế Mỹ.
Hãng tin Nhật Bản mô tả Singapore là trung tâm tài chính khu vực, có nhiều trụ sở lớn của các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Microsoft, Google… và đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất bộ vi xử lý của châu Á. Trong khi đó, Việt Nam có vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt về bán dẫn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch xuất khẩu ô tô điện sang Mỹ, nơi nhu cầu cho phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường đang tăng mạnh.
Do đó, củng cố chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại song phương là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của bà Harris tại Việt Nam.
Các hoạt động của bà Kamala Harris trong 3 ngày ở Việt Nam cũng được truyền thông thế giới cập nhật đầy đủ. Trích dẫn phát biểu của bà tại cuộc họp báo ở Hà Nội chiều 26/8, nhiều tờ báo bình luận chuyến thăm của bà là "báo hiệu cho khởi đầu của chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ".
Giới quan sát quốc tế cũng đưa ra nhiều nhận định về chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Harris.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Australia, nhấn mạnh nhiều thế hệ lãnh đạo Mỹ, trong đó có ông Barack Obama, ông Donald Trump và giờ là ông Joe Biden, coi Việt Nam là quốc gia ổn định về chính trị và có đóng góp quan trọng vào an ninh khu vực với vai trò dẫn dắt của mình.
Trước đó, Gregory Poling - chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington – nhận định chìa khóa thành công trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày nằm ở cam kết của Mỹ trong hỗ trợ khu vực chống đại dịch Covid-19. Chuyên gia này nhìn nhận đây là cơ hội tốt để Phó Tổng thống Harris xây dựng uy tín về chính sách tại khu vực then chốt này.
Thời gian qua, Mỹ đã nỗ lực củng cố quan hệ với Đông Nam Á. Điều này đã được thể hiện qua chuyến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hồi tháng 7, và việc Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tham gia họp trực tuyến nhiều ngày với các ngoại trưởng ASEAN hồi đầu tháng 8.